Phần mềm Kế toán & Quản lý kinh doanhTin tứcTin tức Kinh doanh

Kế toán thuế là gì? Những công việc của kế toán thuế

Kế toán thuế đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo doanh nghiệp thực hiện đúng các nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật. Bài viết này sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về khái niệm kế toán thuế và liệt kê những công việc chính mà kế toán thuế cần thực hiện để hỗ trợ hoạt động kinh doanh hiệu quả và tuân thủ pháp luật.

Kế toán thuế là gì?

Hiện tại, không có một văn bản nào định nghĩa cụ thể về “kế toán thuế”, tuy nhiên các quy định về trách nhiệm và hoạt động của kế toán thuế được nêu rõ trong Luật Kế toán 2015 (Số 88/2015/QH13) và Luật Quản lý thuế 2019 (Số 38/2019/QH14) như sau:

  • Nguyên tắc kế toán tài chính: Yêu cầu ghi chép, phản ánh đầy đủ các khoản thu nhập, chi phí, và nghĩa vụ tài chính, trong đó bao gồm nghĩa vụ thuế.
  • Trách nhiệm của kế toán: Đảm bảo tính minh bạch và trung thực của số liệu kế toán, bao gồm các khoản liên quan đến thuế.
  • Nguyên tắc, trách nhiệm trong việc kê khai, nộp thuế và lập báo cáo thuế:
    • Kê khai thuế: người nộp thuế phải kê khai chính xác, trung thực và nộp đúng hạn các loại thuế.
    • Lập sổ sách kế toán thuế: yêu cầu doanh nghiệp thực hiện ghi chép đầy đủ các nghiệp vụ phát sinh có liên quan đến nghĩa vụ thuế.

Như vậy, có thể hiểu kế toán thuế là người chịu trách nhiệm ghi chép, phản ánh đầy đủ trung thực nghĩa vụ thuế của tổ chức và đảm bảo nộp thuế đúng hạn.

Kế toán thuế có vai trò quan trọng trong doanh nghiệp

Kế toán thuế có vai trò quan trọng trong doanh nghiệp

Những công việc kế toán thuế

Công việc của kế toán thuế thường diễn ra khi có phát sinh giao dịch liên quan đến thuế và các kỳ hạn nộp báo cáo thuế, tiền thuế theo quy định.

Các văn bản hướng dẫn và quy định về các công việc hàng ngày của Kế toán Thuế có thể tham khảo gồm:

Công việc kế toán thuế làm đầu năm

Các công việc đầu năm của kế toán thuế thường liên quan đến việc rà soát và thực hiện các báo cáo quyết toán cho năm trước cũng như chuẩn bị cho năm mới.

  • Chuẩn bị các Báo cáo thuế định kỳ đầu năm như Tờ khai thuế GTGT, TNCN (nếu doanh nghiệp kê khai theo quý hoặc tháng), Tờ khai thuế Lệ phí (thuế) môn bài.
  • Nộp các tờ khai quyết toán thuế TNCN, TNDN
  • Đối chiếu và nộp các khoản thuế phát sinh cuối năm trước (nếu có).
  • Mở sổ sách kế toán cho năm tài chính mới và lưu trữ hóa đơn, chứng từ, sổ sách của năm cũ theo quy định (ít nhất 10 năm đối với báo cáo tài chính và hóa đơn).
  • Hoàn thiện các báo cáo hoặc hồ sơ cần thiết nếu cơ quan thuế tiến hành kiểm tra hoặc thanh tra thuế. Giải trình các khoản thuế phát sinh hoặc điều chỉnh số liệu (nếu có sai sót).

Cần lưu ý thời hạn quan trọng đầu năm:

  • Báo cáo tài chính năm: Thường nộp trước ngày 31/3 của năm tiếp theo.
  • Quyết toán thuế TNDN và TNCN: Thường nộp cùng thời hạn với báo cáo tài chính.
  • Tờ khai Lệ phí (thuế) môn bài: Thường nộp trước ngày 30/01

Công việc hàng ngày

Hàng ngày, kế toán thuế cần thực hiện các công việc sau:

  • Xử lý và ghi nhận các nghiệp vụ phát sinh
  • Theo dõi nhập xuất tồn hàng hóa
  • Theo dõi công nợ phải thu, phải trả
  • Cân đối hóa đơn đầu vào đầu ra
  • Lập báo cáo theo yêu cầu: Không quy định pháp luật cụ thể nhưng thuộc trách nhiệm của kế toán trong quản lý nội bộ doanh nghiệp.

Công việc hàng tháng

Hàng tháng, kế toán thuế cần thực hiện các công việc sau:

  • Lập báo cáo nhập xuất tồn, công nợ
  • Cân đối hóa đơn, lập báo cáo thuế GTGT, TNCN (với các doanh nghiệp báo cáo thuế theo tháng)
  • Tính lương, khấu hao tài sản, phân bổ chi phí
  • Xác định kết quả kinh doanh

Lưu ý các thời hạn quan trọng:

  • Tờ khai thuế GTGT, TNCN: Chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế. Tức là tờ khai thuế của tháng 7/2024 cần phải nộp chậm nhất vào ngày 20/08/2024.

Công việc hàng quý

Hàng quý, kế toán thuế cần thực hiện các công việc sau:

  • Lập tờ khai thuế GTGT, TNCN  (với các doanh nghiệp báo cáo thuế theo quý)
  • Lập tờ khai TNDN tạm tính
  • Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn

Lưu ý các thời hạn quan trọng:

  • Tờ khai thuế GTGT, TNCN: Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế. Tức là tờ khai thuế của qúy II/2024 cần phải nộp chậm nhất vào ngày 31/07/2024.

Công việc cuối năm

Cuối năm, kế toán thuế cần:

  • Rà soát số liệu và lập báo cáo tài chính
  • Quyết toán thuế TNDN và TNCN
  • In sổ sách kế toán

Quy định về kinh doanh dịch vụ kế toán thuế

Ngoài làm việc cho một doanh nghiệp, kế toán thuế cũng có thể mở dịch vụ nhận làm kế toán hoặc tham gia công ty dịch vụ kế toán thuế cho nhiều doanh nghiệp một lúc. Các điều kiện để kinh doanh dịch vụ kế toán thuế bao gồm:

1. Theo Khoản 1, Điều 59, Luật Kế toán năm 2015, loại hình doanh nghiệp được phép kinh doanh dịch vụ kế toán bao gồm: Công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán.

2. Căn cứ Điều 60, Luật Kế toán năm 2015 và Khoản 1, Điều 27, Nghị định số 174/2016/NĐ-CP, điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp trong nước là:

  • Có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc các loại giấy tờ tương đương.
  • Có ít nhất 2 thành viên góp vốn/hợp danh hoặc 2 kế toán viên hành nghề.
  • Người đại diện theo pháp luật đồng thời là giám đốc/chủ doanh nghiệp phải là kế toán viên hành nghề.

3. Điều 65, Luật Kế toán năm 2015 quy định điều kiện đối với hộ kinh doanh dịch vụ kế toán là:

  • Có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
  • Cá nhân hoặc đại diện nhóm cá nhân là kế toán viên hành nghề.

4. Theo Khoản 1, Điều 60, Luật Kế toán năm 2015 và Khoản 1, Điều 27, Điều 26, Nghị định số 174/2016/NĐ-CP thì tỷ lệ góp vốn đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên là

  • Có ít nhất 2 thành viên góp vốn là kế toán viên hành nghề, chiếm trên 50% vốn điều lệ.
  • Thành viên góp vốn là tổ chức không được vượt quá 35% vốn điều lệ.

5. Khoản 4, Điều 59, Luật Kế toán năm 2015, Khoản 1, khoản 3, Điều 31, Nghị định số 174/2016/NĐ-CP và Khoản 4, Điều 21, Luật Đầu tư năm 2020 quy định điều kiện đối với Doanh nghiệp kế toán nước ngoài là:

  • Góp vốn với doanh nghiệp kế toán Việt Nam đủ điều kiện để thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam
  • Thành lập chi nhánh kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài tại Việt Nam
  • Cung cấp dịch vụ kế toán xuyên biên giới.

Trong đó thủ tục cấp phép kinh doanh cho chi nhánh doanh nghiệp kế toán nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện tại Bộ Công Thương và Bộ Tài chính.

Quy định về dịch vụ kế toán thuế

Quy định về dịch vụ kế toán thuế

Phân biệt kế toán thuế và kiểm toán

Dưới đây là bản so sánh giữa kế toán thuế và kiểm toán theo các tiêu chí:

Tiêu chí

Kế toán

Kiểm toán

Thời điểm bắt đầu công việc

Khi các giao dịch tài chính phát sinh

Khi kế toán viên hoàn thành công việc

Hệ thống phương pháp

Sử dụng 4 phương pháp: chứng từ kế toán, tính giá, tài khoản kế toán, tổng hợp cân đối kế toán

Sử dụng 2 phương pháp: kiểm toán chứng từ, kiểm toán ngoài chứng từ

Tính chất công việc

Chịu trách nhiệm ghi chép, lưu trữ sổ sách và bản ghi các giao dịch tài chính

Kiểm tra và xác định mức độ tin cậy của các sổ sách và bản ghi của kế toán

Phạm vi công việc

Thực hiện công việc liên quan đến bảng báo cáo doanh thu, lợi nhuận, bảng cân đối kế toán và báo cáo lại cho kiểm toán

Kiểm tra, đánh giá tính minh bạch và chính xác từ các báo cáo của kế toán và báo cáo lại cho chủ đầu tư hoặc cổ đông

Đơn vị chủ quản

Là nhân sự thuộc tổ chức và nhận lương định kỳ từ tổ chức đó

Là nhân sự độc lập, được chỉ định kiểm toán trong một khoảng thời gian và thanh toán theo hợp đồng

Thời gian thực hiện các loại báo cáo

Thực hiện 4 báo cáo cơ bản: bảng cân đối kế toán, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, báo cáo kết quả kinh doanh và bản thuyết minh BCTC định kỳ theo tháng và năm

Thực hiện 2 báo cáo cơ bản: báo cáo kiểm toán và biên bản kiểm toán ngay sau khi hoàn thành công việc kiểm toán

Tóm lại, kế toán thuế chủ yếu tập trung vào việc tính toán, lập báo cáo và nộp thuế cho cơ quan thuế. Công việc của kế toán thuế đòi hỏi sự chính xác và đúng hạn trong việc nộp thuế, đồng thời phải tuân thủ đầy đủ các quy định pháp lý về thuế. Mục đích chính là đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ đúng nghĩa vụ thuế của mình đối với cơ quan thuế. Người thực hiện công việc này thường là kế toán thuế hoặc nhân viên thuế trong doanh nghiệp, và họ thường là nhân sự thuộc tổ chức, nhận lương định kỳ từ doanh nghiệp.

Ngược lại, kiểm toán tập trung vào việc kiểm tra, đánh giá và xác định mức độ tin cậy của các số liệu tài chính cũng như báo cáo của doanh nghiệp. Mục đích chính của kiểm toán là xác định tính chính xác, minh bạch và đáng tin cậy của các thông tin tài chính, từ đó đảm bảo các báo cáo tài chính sẽ phản ánh đúng tình hình tài chính và hoạt động của doanh nghiệp. Người thực hiện kiểm toán thường là kế toán trưởng hoặc kiểm toán viên độc lập. Họ hoạt động độc lập với doanh nghiệp, được chỉ định kiểm toán trong một khoảng thời gian nhất định, và được thanh toán theo hợp đồng đã ký kết.

Phân biệt kế toán thuế và kiểm toán

Phân biệt kế toán thuế và kiểm toán

Kế toán thuế không chỉ là đơn giản là việc ghi chép, đảm bảo chứng từ phục vụ nghĩa vụ thuế cho Doanh nghiệp mà còn đòi hỏi việc theo dõi và nắm bắt các quy định mới nhất. Việc thực hiện đúng và đầy đủ các nhiệm vụ của kế toán thuế không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật mà còn làm tối ưu hóa chi phí, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh.. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về kế toán thuế và tầm quan trọng của vai trò này trong hoạt động của mỗi doanh nghiệp.

Nổi bật

Liên quan

Xem thêm

Tawk.to Widget
(+84.28) 3848-99-75