Thuế trực thu là gì? Các loại thuế trực thu mới nhất 2024
Có nhiều cách phân loại thuế, trong đó cách phân loại phổ biến nhất là phân loại dựa vào mối quan hệ giữa người nộp thuế và người chịu thuế để phân làm hai loại thuế: gồm: thuế gián thu và các loại thuế trực thu. Tuy nhiên, cho đến nay pháp luật nước ta vẫn chưa có khái niệm chính xác để định nghĩa thế nào là thuế trực thu hay thuế gián thu.
Thuế trực thu là gì?
Thuế trực thu là thuế mà Nhà nước trực tiếp thu vào ngân sách một phần thu nhập của đối tượng nộp thuế, tức là cá nhân nộp thuế trực thu lấy một phần thu nhập của mình nộp cho Nhà nước.
Thuế trực thu không phải là một loại thuế độc lập trong hệ thống thuế. Thuế trực thu được nhận diện thông qua việc xác định ai là người thực tế chịu thuế. Người nộp thuế đồng thời là người chịu thuế. Trong danh mục loại thuế trực thu có các loại thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân,... (khoản 28 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014)
Thuế trực thu là gì?
Đặc điểm thuế trực thu
Để giúp nhận diện một sắc thuế là thuế trực thu hoặc để phân biệt với các loại thuế gián thu cần thiết phải thông qua các đặc điểm sau:
- Người nộp thuế đồng thời là người chịu thuế, đây là đặc điểm khác biệt so với các loại thuế gián thu.
- Thuế trực thu thường là các loại thuế đánh vào thu nhập và vào tài sản.
- Thuế trực thu bảo đảm sự công bằng trong việc điều tiết thu nhập thặng dư của người nộp thuế. Tuy nhiên, việc tăng mức đóng thuế trực thu sẽ gây ra phản ứng ngược từ người nộp thuế, không khuyến khích việc công khai thu nhập của người nộp thuế.
- Mức đóng thuế phù hợp với khả năng của từng đối tượng, xác định dựa vào thu nhập, lợi nhuận của các nhân, tổ chức. Vì vậy có tính phân loại đối tượng nộp thuế.
- Thuế trực thu thường gây ra sự phản ứng về thuế của người nộp thuế do không có sự chuyển dịch về thuế (trái ngược với thuế gián thu), nhất là thuế thu nhập cá nhân khi số thuế phải nộp sẽ phụ thuộc vào thuế suất lũy tiến (tức thu nhập càng cao tiền thuế đóng càng lớn).
- Người nộp thuế không được quyền chuyển nghĩa vụ này sang cho bất kỳ đối tượng nào khác.
Ngoài ra, thuế trực thu có cơ chế bảo đảm người nộp thuế phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định nhưng vẫn thường xảy ra việc trốn thuế, hiệu quả của việc thu các loại thuế này phụ thuộc rất lớn vào sự tự giác của người nộp thuế.
Đặc điểm các loại thuế trực thu
Các loại thuế trực thu
Thuế trực thu gồm một số loại thuế nhưng phổ biến nhất là thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp, cụ thể:
Thuế thu nhập cá nhân
Thuế thu nhập cá nhân là khoản tiền thuế mà người có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công hoặc các khoản thu nhập khác phải nộp cho ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
Căn cứ Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 và các văn bản hướng dẫn thi hành, thuế thu nhập cá nhân áp dụng đối với người nộp thuế khi có thu nhập chịu thuế từ các nguồn thu sau:
- Thu nhập từ tiền lương, tiền công, các khoản thu khác có tính chất như tiền lương, tiền công (đối với cá nhân không có người phụ thuộc thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân khi có tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công trên 11 triệu đồng/tháng; khoản thu nhập này đã trừ các khoản đóng bảo hiểm bắt buộc và các khoản đóng góp khác như từ thiện, nhân đạo, …).
- Thu nhập từ kinh doanh (hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu trong năm dương lịch trên 100 triệu đồng).
- Thu nhập từ đầu tư vốn.
- Thu nhập từ chuyển nhượng vốn.
- Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản.
- Thu nhập từ trúng thưởng.
- Thu nhập từ bản quyền.
- Thu nhập từ nhượng quyền thương mại.
- Thu nhập khi nhận thừa kế.
- Thu nhập từ nhận quà tặng.
Thuế thu nhập doanh nghiệp
Thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế trực thu, được tính trên cơ sở thu nhập tính thuế trong kỳ tính thuế và thuế suất.
Để xác định được số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp thì người nộp thuế phải xác định được thu nhập tính thuế trong kỳ và thuế suất.
Muốn xác định được thu nhập tính thuế cần phải xác định được doanh thu, chi phí được trừ, các khoản thu nhập khác (nếu có), thu nhập được miễn thuế (nếu có), các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định (nếu có), phần trích lập quỹ khoa học và công nghệ (nếu có).
Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thường là 20%, trừ một số ngành, một số khu vực được áp dụng thuế suất ưu đãi hoặc một số áp dụng thuế suất rất cao như hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguyên quý hiếm đối với các mỏ bạch kim, vàng, bạc, thiếc, wonfram, antimoan, đá quý, đất hiếm, …
Thuế sử dụng đất
Thuế sử dụng đất là một khoản nộp vào ngân sách nhà nước mà người sử dụng phải nộp trong quá trình sử dụng đất. Thuế sử dụng đất bao gồm: thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Đối tượng chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp (theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp 1993) đối tượng chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp bao gồm:
- Đất trồng trọt;
- Đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản;
- Đất rừng trồng.
Đối tượng không chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp (theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp 1993), đất không thuộc diện chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp mà chịu các loại thuế khác hoặc không phải chịu thuế theo quy định của pháp luật, bao gồm:
- Đất có rừng tự nhiên;
- Đất đồng cỏ tự nhiên;
- Đất dùng để ở;
- Đất chuyên dùng.
Người nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp: Tổ chức, cá nhân sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp đều phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp. Hộ được giao quyền sử dụng đất nông nghiệp mà không sử dụng vẫn phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sử dụng đất nông nghiệp phải nộp tiền thuê đất theo quy định, không phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định của Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp 1993.
Các loại thuế trực thu hiện hành
Phân biệt thuế trực thu và gián thu
Để giúp các bạn có thể phân biệt rõ giữa hai các loại thuế trực thu và các loại thuế gián thu, bài viết sẽ căn cứ vào các nội dung sau để cùng so sánh nhé.
|
Thuế trực thu |
Thuế gián thu |
---|---|---|
Đối tượng chịu thuế |
Người nộp thuế chính là người chịu thuế |
Không đồng nhất hai đối tượng chịu thuế và nộp thuế với nhau |
Mức độ tác động của thuế |
Thuế trực thu ít tác động vào giá cả thị trường bởi vì loại thuế này đánh vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp |
Thuế gián thu có nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả thị trường bởi vì thuế gián thu được cộng vào giá bán hàng hóa dịch vụ |
Mức độ quản lý |
Thuế trực thu là loại thuế khó thu hơn do phải dựa vào kết quả kinh doanh mà cái này nhà nước sẽ không quản lý, kiểm soát được, nhiều doanh nghiệp cũng trốn thuế, thanh toán bằng tiền mặt nên rất khó thu |
Thuế gián thu dễ thu hơn vì được cấu thành giá bán hàng hóa, dịch vụ, nếu người tiêu dùng có độ dân trí chưa cao thì không thấy được. Vì vậy hầu hết các nước nghèo, chậm phát triển thường coi thuế gián thu là nguồn thu chủ yếu; trong khi với các nước phát triển, thuế trực thu là nguồn thu chính của ngân sách. |
Phương thức điều tiết |
Điều tiết trực tiếp vào thu nhập của các đối tượng chịu thuế |
Điều tiết gián tiếp thông qua giá bán hàng hóa dịch vụ chứ không điều tiết vào thu nhập của người chịu thuế |
Ưu điểm |
Kiềm chế lạm phát, giảm bất bình đẳng và đảm bảo được công bằng giữa những người chịu thuế. |
Dễ dàng hơn cho cơ quan thuế thu thuế và không thể trốn thuế. |
Nhược điểm |
Thuế trực thu là một loại thuế rất khó thu. Mặc dù chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn các việc trốn thuế, nhưng thực tế vẫn có nhiều hành vi gian lận mà qua đó các cá nhân và doanh nghiệp có thể trốn tránh hoặc nộp thuế ít hơn mức mà họ cần đóng. |
Thuế gián thu khó đảm bảo công bằng giữa những người nộp thuế vì mọi người dù có thu nhập thấp hay thu nhập cao đều phải nộp thuế gián thu với tỷ lệ như nhau. |
>>>Khám phá ngay: Bí Quyết Tính Thuế Cho Thuê Tài Sản Đơn Giản & Chính Xác
Ví dụ về thuế trực thu
Khi nhắc đến các loại thuế trực thu theo quy định của pháp luật Việt Nam, sẽ có hai loại thuế trực thu được xem là điển hình và hay được nhắc đến là thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp. Nên bài viết này xin được lấy ví dụ minh họa cho loại thuế Thu nhập doanh nghiệp để các bạn có thể tiện hình dung.
Theo số liệu trên sổ sách và chứng từ ghi chép Quý 1/2024 Công ty TNHH Tư vấn ABC phát sinh các loại nghiệp vụ sau:
- Doanh thu từ hoạt động bán hàng, dịch vụ là: 800 triệu đồng
- Chi phí trả lương cho công nhân viên là: 150 triệu đồng và các khoản trích kèm theo lương như: BHXH, BHYT, KPCD, … là: 30 triệu đồng
- Lãi nhận được từ tiền gửi ngân hàng là: 5 triệu đồng
- Chi phí bán hàng là: 100 triệu đồng
- Chi phí quản lý doanh nghiệp là: 120 triệu đồng
- Xác định thu nhập tính thuế TNDN
- Doanh thu tính thuế TNDN = 800 triệu đồng
- Thu nhập khác = 5 triệu đồng
- Chi phí được trừ khi tính thuế TNDN: = 150 triệu + 30 triệu + 100 triệu + 120 triệu = 400 triệu.
Thu nhập chịu thuế TNDN = (Doanh thu – Chi phí được trừ) + Các khoản thu nhập khác = (800 triệu – 400 triệu) + 5 triệu = 405 triệu đồng.
Thu nhập tính thuế TNDN = Thu nhập chịu thuế – (Thu nhập được miễn thuế + Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định) = 405 triệu đồng.
(do không có các khoản thu nhập được miễn thuế và năm trước không lỗ nên toàn bộ thu nhập chịu thuế sẽ là thu nhập tính thuế của doanh nghiệp).
- Thuế TNDN phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất = 405 triệu đồng x 20% = 81 triệu đồng.
Như vậy, số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính mà công ty TNHH ABC phải nộp cho nhà nước là 81 triệu đồng.
CrystalBooks hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về các loại thuế trực thu, đặc điểm cũng như tầm quan trọng trong hệ thống thuế Việt Nam. Việc nắm vững thông tin về các loại thuế này sẽ giúp bạn quản lý tài chính cá nhân và doanh nghiệp hiệu quả hơn. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào hoặc cần hỗ trợ thêm, đừng ngần ngại liên hệ với Crystalbooks nhé!
>>>Xem ngay: Thuế môn bài là gì? Mức thu, cách tính và thời hạn nộp