Phần mềm Kế toán & Quản lý kinh doanhTin tứcTin tức Kế toán

Quy trình kiểm toán nội bộ chi tiết nhất 2024

Kiểm toán nội bộ có vai trò vô cùng quan trọng với sự phát triển của Doanh nghiệp. Nhờ kiểm toán nội bộ, Doanh nghiệp phát hiện ra các rủi ro, sai sót, gian lận để hoàn thiện hệ thống kinh doanh và quản lý của mình. Hãy cùng CrystalBooks tìm hiểu quy trình kiểm toán nội bộ cơ bản của Doanh nghiệp qua bài viết sau đây.

Quy trình kiểm toán nội bộ

Điều 12, Nghị định 05/2019/NĐ-CP quy định quy trình kiểm toán nội bộ cần có hướng dẫn chi tiết về phương thức đánh giá rủi ro, lập kế hoạch kiểm toán nội bộ hàng năm, kế hoạch từng cuộc kiểm toán, cách thức thực hiện công việc kiểm toán, lập và gửi báo cáo kiểm toán, theo dõi, giám sát chỉnh sửa sau kiểm toán, theo dõi thực hiện kiến nghị sau kiểm toán, lưu hồ sơ, tài liệu kiểm toán nội bộ. Dựa trên các yêu cầu này, Doanh nghiệp xây dựng quy trình kiểm toán nội bộ riêng cho phù hợp.

Kiểm toán nội bộ doanh nghiệp thường được chia làm 4 bước là: lập kế hoạch, thực hiện kiểm toán, tổng hợp đưa ra kết luận, ý kiến kiểm toán và theo dõi thực hiện kiến nghị.

Lập kế hoạch

Khi lập kế hoạch kiểm toán, kiểm toán nội bộ cần xác định được mục tiêu của cuộc kiểm toán, phạm vi và các nguồn lực cần thiết.

Để lập kế hoạch kiểm toán, kiểm toán nội bộ cần đối chiếu với kế hoạch chung đã được duyệt từ đầu năm, từ đó xác định mục tiêu và phạm vi kiểm toán. Sau khi xác định mục tiêu và phạm vi, kiểm toán nội bộ tiến hành thu thập thông tin ban đầu liên quan. Sau đó xác định thời gian, nguồn lực, lịch trình, lập kế hoạch chi tiết và trao đổi lịch kiểm toán với đơn vị liên quan.

Kế hoạch kiểm toán cần được thống nhất và phê duyệt kế hoạch kiểm toán, xác định rõ nội dung, nhân sự, thời gian và tài liệu cần thiết. Từ đó nhận diện các rủi ro tiềm tàng và yếu tố trọng yếu với các thông tin về đơn vị, mạng lưới hoạt động, cơ cấu tổ chức, yêu cầu tuân thủ, chính sách kế toán, quy trình hoạt động và các rủi ro tiềm tàng.

Lên kế hoạch cho quy trình kiểm toán nội bộ

Lên kế hoạch cho quy trình kiểm toán nội bộ

Thực hiện kiểm toán

Sau khi lập kế hoạch, kiểm toán viên thực hiện các thủ tục kiểm toán như phỏng vấn, xem xét tài liệu và thử nghiệm kiểm soát để thu thập bằng chứng. Nếu phát hiện rủi ro, sai sót trọng yếu hoặc gian lận, kiểm toán viên cần xin ý kiến lãnh đạo để mở rộng phạm vi kiểm toán.

Tổng hợp, đưa ra kết luận, ý kiến kiểm toán.

Sau khi thu thập bằng chứng, kiểm toán viên nội bộ đánh giá và tổng hợp các vấn đề phát sinh, điểm yếu của hệ thống, gian lận, sai sót,…. Đoàn kiểm toán họp sơ bộ với Ban giám đốc của đơn vị được kiểm toán để thu thập ý kiến và giải trình, sau đó gửi Báo cáo kết quả kiểm toán cuối cùng đến Hội đồng quản trị hoặc cấp có thẩm quyền.

Kiểm toán viên tổng hợp kết quả và gửi báo cáo cuối cùng cho cấp thẩm quyền

Kiểm toán viên tổng hợp kết quả và gửi báo cáo cuối cùng cho cấp thẩm quyền

Theo dõi thực hiện kiến nghị

Định kỳ, Kiểm toán nội bộ thu thập báo cáo khắc phục sai sót và gian lận để hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ. Tùy theo mức độ sai phạm, đơn vị được kiểm toán xây dựng lộ trình khắc phục và báo cáo cho Ban kiểm toán nội bộ và Hội đồng quản trị.

Quy trình cuối cùng là theo dõi và thực hiện kiến nghị

Quy trình cuối cùng là theo dõi và thực hiện kiến nghị

>>>Xem thêm: Kiểm toán viên là gì? Mức Lương, Yêu Cầu & Cơ Hội Việc Làm

Các yêu cầu đối với kiểm toán viên nội bộ

Điều 11, Nghị định 05/2019/NĐ-CP quy định cụ thể yêu cầu về tiêu chuẩn đối với người làm công tác kiểm toán nội bộ như sau:

  • Có bằng đại học trở lên các chuyên ngành phù hợp với yêu cầu kiểm toán, có kiến thức đầy đủ và luôn được cập nhật về các lĩnh vực được giao thực hiện kiểm toán nội bộ.
  • Đã có thời gian từ 05 năm trở lên làm việc theo chuyên ngành đào tạo hoặc từ 03 năm trở lên làm việc tại đơn vị đang công tác hoặc từ 03 năm trở lên làm kiểm toán, kế toán hoặc thanh tra.
  • Có kiến thức, hiểu biết chung về pháp luật và hoạt động của đơn vị; có khả năng thu thập, phân tích, đánh giá và tổng hợp thông tin; có kiến thức, kỹ năng về kiểm toán nội bộ.
  • Chưa bị kỷ luật ở mức cảnh cáo trở lên do sai phạm trong quản lý kinh tế, tài chính, kế toán hoặc không đang trong thời gian bị thi hành án kỷ luật.
  • Các tiêu chuẩn khác do đơn vị quy định.

Kiểm toán viên nội bộ phải có chuyên môn phù hợp, kinh nghiệm và không vi phạm kỷ luật

Kiểm toán viên nội bộ phải có chuyên môn phù hợp, kinh nghiệm và không vi phạm kỷ luật

Ngoài ra, điều 5, Nghị định 05/2019/NĐ-CP quy định về các nguyên tắc cơ bản mà kiểm toán nội bộ phải tuân thủ:

  • Tính độc lập: Người làm công tác kiểm toán nội bộ không được đồng thời đảm nhận các công việc thuộc đối tượng của kiểm toán nội bộ. Đơn vị phải đảm bảo rằng kiểm toán nội bộ không chịu bất cứ sự can thiệp nào trong khi thực hiện nhiệm vụ báo cáo và đánh giá.
  • Tính khách quan: Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải đảm bảo khách quan, chính xác, trung thực, công bằng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của kiểm toán nội bộ.
  • Tuân thủ pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động kiểm toán nội bộ.

Điều 7, Nghị định này quy định các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán nội bộ tối thiểu như sau:

  • Tính chính trực: Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải thực hiện các công việc chuyên môn với sự trung thực, tính cẩn trọng và tinh thần trách nhiệm; tuân thủ các quy định pháp luật và công bố các thông tin cần thiết theo yêu cầu của pháp luật và yêu cầu chuyên môn của kiểm toán nội bộ; không tham gia các hoạt động phi pháp hay tham gia các hoạt động làm tổn hại đến uy tín của nghề nghiệp, uy tín của đơn vị;
  • Tính khách quan: Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải thể hiện mức độ cao nhất về tính khách quan chuyên môn trong việc thu thập, đánh giá và trao đổi thông tin về các hoạt động và quy trình được kiểm toán. Người làm công tác kiểm toán nội bộ được đưa ra các đánh giá khách quan về tất cả các tình huống liên quan và không bị ảnh hưởng chi phối từ các lợi ích cá nhân hoặc từ bất kỳ ai trong việc đưa ra các xét đoán và kết luận của mình;
  • Năng lực chuyên môn và tính thận trọng: Người làm công tác kiểm toán nội bộ áp dụng các kiến thức, các kỹ năng và kinh nghiệm chuyên môn trong công tác kiểm toán nội bộ. Đồng thời hành động một cách thận trọng, phù hợp với các chuẩn mực nghề nghiệp và kỹ thuật được áp dụng;
  • Tính bảo mật: Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải tôn trọng các giá trị và quyền sở hữu của các thông tin được cung cấp và không tiết lộ các thông tin này nếu không được phép của các cấp có thẩm quyền trừ khi việc tiết lộ thông tin thuộc trách nhiệm chuyên môn hoặc theo yêu cầu của luật pháp;
  • Tư cách nghề nghiệp: Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải tuân thủ pháp luật và các quy định có liên quan, tránh bất kỳ hành động nào làm giảm uy tín nghề nghiệp của mình.

Một quy trình kiểm toán nội bộ được thực hiện chặt chẽ và khoa học không chỉ giúp phát hiện và khắc phục các vấn đề kịp thời mà còn góp phần nâng cao năng lực quản lý và giảm thiểu rủi ro. Do đó, CrystalBooks hy vọng rằng, bài viết trên có thể giúp bạn tiến hành quy trình kiểm toán nội bộ nhanh chóng và chính xác.

>>>Khám phá ngay: Hướng dẫn làm báo cáo kiểm toán nội bộ chi tiết từ A đến Z

Nổi bật

Xem thêm

Tawk.to Widget
(+84.28) 3848-99-75