Phần mềm Kế toán & Quản lý kinh doanhTin tứcTin tức Kế toán

Kiểm toán viên là gì? Mức Lương, Yêu Cầu & Cơ Hội Việc Làm

Hầu hết các doanh nghiệp, cả tư nhân và tổ chức nhà nước đều cần kiểm toán định kỳ để đảm bảo tính chính xác, trung thực và mức độ tuân thủ pháp luật của báo cáo tài chính. Người thực hiện các công việc này là Kiểm toán viên. Hãy cùng tìm hiểu kiểm toán viên là gì và các yêu cầu cũng như quy định pháp luật liên quan đến kiểm toán viên trong bài viết này nhé.

Kiểm toán viên là gì?

Kiểm toán viên, hay Auditor, là người được pháp luật công nhận và cấp chứng chỉ hành nghề kiểm toán hoặc người đã có chứng chỉ kiểm toán viên nước ngoài được Bộ Tài chính công nhận và đã qua kỳ thi sát hạch pháp luật Việt Nam.

Kiểm toán viên thường thực hiện các công việc như kiểm tra, rà soát tài khoản kế toán, báo cáo tài chính của Doanh nghiệp, Công ty, Tổ chức và lập báo cáo kiểm toán.

Kiểm toán là ngành gì? Họ là ai?

Kiểm toán là ngành gì? Họ là ai?

Tiêu chuẩn để trở thành kiểm toán viên

Tiêu chuẩn để trở thành Kiểm toán viên được quy định tại Điều 14, Luật kiểm toán độc lập 67/2011/QH12. Bao gồm:

  • Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
  • Có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm với công việc, khách quan, trung thực và liêm khiết.
  • Tốt nghiệp đại học trở lên trong các chuyên ngành như kiểm toán, kế toán, ngân hàng, tài chính hoặc những chuyên ngành khác được Bộ Tài chính quy định.
  • Có Chứng chỉ kiểm toán viên hợp lệ theo Bộ Tài chính quy định.

Đăng ký hành nghề kiểm toán viên

Để đăng ký hành nghề Kiểm toán viên, kiểm toán cần đáp ứng đầy đủ các quy định theo Khoản 1, Điều 15, Luật Kiểm toán độc lập như sau:

  • Là kiểm toán viên;
  • Có thời gian thực tế làm kiểm toán từ đủ ba mươi sáu tháng trở lên.
    • Thời gian thực tế làm kiểm toán được hiểu là thời gian kiểm toán viên làm việc tại Doanh nghiệp kiểm toán căn cứ trên hợp đồng lao động toàn thời gian. Thời gian này được tính cộng dồn tính từ khi có bằng tốt nghiệp đại học đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán theo nguyên tắc tròn tháng.
    • Thời gian thực tế làm kiểm toán phải có xác nhận của người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của Doanh nghiệp kiểm toán nơi kiểm toán viên thực tế làm việc. Trường hợp người đại diện theo pháp luật của Doanh nghiệp kiểm toán không còn hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán thì phải có bản giải trình và các tài liệu chứng minh kèm theo.
  • Tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức.

Quy định đăng ký hành nghề kiểm toán viên

Quy định đăng ký hành nghề kiểm toán viên

Các loại hình kiểm toán viên

Nếu phân loại theo chủ thể kiểm toán, có 3 loại hình kiểm toán là Kiểm toán nội bộ, Kiểm toán độc lập và Kiểm toán viên chính phủ.

Kiểm toán viên nội bộ

Là người thực hiện công việc kiểm toán trong nội bộ các tổ chức, doanh nghiệp, công ty. Công việc này thường được yêu cầu tiến hành bởi Ban giám đốc, Ban lãnh đạo, Hội đồng quản trị công ty.

Kiểm toán viên độc lập

Là người có chứng chỉ kiểm toán viên và làm việc cho Doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ kiểm toán. Kiểm toán viên độc lập thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của khách hàng.

Kiểm toán viên chính phủ

Là công chức nhà nước được bổ nhiệm vào ngạnh kiểm toán nhà nước với Tổng kiểm toán nhà nước để đảm đương công việc kiểm toán. Kiểm toán viên chính phủ thực hiện kiểm tra và giám sát trong việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước.

Phân loại hình kiểm toán viên theo chủ thể kiểm toán

Phân loại hình kiểm toán viên theo chủ thể kiểm toán

Công việc của kiểm toán viên

Kiểm toán viên thường thực hiện các công việc sau:

  • Xây dựng kế hoạch kiểm toán: kiểm toán viên bắt buộc phải xây dựng kế hoạch kiểm toán cho tất cả các cuộc kiểm toán. Kế hoạch kiểm toán giúp kiểm toán viên xác định rõ mục tiêu và các vấn đề cần kiểm toán, xác định phạm vi kiểm toán phù hợp, lên kế hoặc về lịch trình, phương pháp và nguồn lực và giúp giảm thiểu các rủi ro về kiểm toán.
  • Thiết lập quy trình kiểm toán: bao gồm tập hợp các bước, thủ tục để thu thập, đánh giá và báo cáo thông tin về một đối tượng kiểm toán. Quy trình kiểm toán giúp kiểm toán viên đảm bảo thu thập đầy đủ các thông tin cần thiết để đưa ra ý kiến và tính trung thực và hợp lý của báo cáo tài chính.
  • Thu thập thông tin: sử dụng các phương pháp kiểm toán để thu thập thông tin kiểm toán. Bao gồm: kiểm toán cân đối, đối chiếu trực tiếp, đối chiếu logic, điều tra, trắc nghiệm, …
  • Ghi chép nhận định: lưu trữ hồ sơ về các công việc đã thực hiện, các kết luận và khuyến nghị đã đưa ra. Ghi chép nhận định giúp kiểm toán viên bảo vệ mình khỏi các khiếu nghị và tranh chấp.

Lập báo cáo, kết luận: tổng hợp các kết quả kiểm toán và đưa ra ý kiến về tính trung thực và hợp lý của báo cáo tài chính. Kiểm toán viên nêu rõ ý kiến về tính trung thực và hợp lý của báo cáo tài chính và gửi cho khách hàng và các bên liên quan.

Kiểm toán viên là gì? Công việc của kiểm toán viên thường thực hiện

Kiểm toán viên là gì? Công việc của kiểm toán viên thường thực hiện

Mức lương khi làm kiểm toán viên

Mức lương kiểm toán viên hiện nay dao động từ 8 đến 20 triệu đồng / tháng tùy theo vị trí, kinh nghiệm và loại hình doanh nghiệp.

  • Trợ lý kiểm toán: mức lương dao động từ 7 – 9 triệu đồng / tháng
  • Kiểm toán viên: mức lương dao động từ 10 – 15 triệu đồng / tháng
  • Kiểm toán viên trưởng: mức lương dao động từ 20 – 30 triệu đồng / tháng

Các trường hợp không được đăng ký hành nghề kiểm toán viên

Tại điều 16, Luật kiểm toán độc lập 67/2011/QH12 quy định những trường hợp không được đăng ký hành nghề kiểm toán viên, bao gồm:

  • Cán bộ, công chức, viên chức
  • Người bị cấm hành nghề kiểm toán căn cứ trên bản án đã có hiệu lực; người đang thuộc diện bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị tuyên án về các tội liên quan đến kinh tế, kế toán, tài chính và chưa được xóa án; người đang bị xử lý hành chính giáo dục…
  • Người có tiền án về kinh tế ở mức nghiêm trọng trở lên
  • Người vi phạm pháp luật về quản lý kinh tế, kiểm toán, kế toán, tài chính và bị xử phạt vi phạm hành chính trong vòng 1 năm
  • Người bị đình chỉ hành nghề kiểm toán

Kiểm toán là ngành gì? Sẽ có các trường hợp không được đăng ký hành nghề

Kiểm toán là ngành gì? Sẽ có các trường hợp không được đăng ký hành nghề

>>>Khám phá ngay: Kiểm toán báo cáo tài chính là gì? Khám phá chi tiết

Quyền và nghĩa vụ của kiểm toán viên

Quyền của kiểm toán viên

Quyền của kiểm toán viên được quy định tại Điều 17 Luật kiểm toán độc lập, bao gồm:

  • Hành nghề kiểm toán theo quy định của Luật này;
  • Độc lập về chuyên môn nghiệp vụ;
  • Yêu cầu đơn vị được kiểm toán cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu cần thiết và giải trình các vấn đề có liên quan đến nội dung kiểm toán; yêu cầu kiểm kê tài sản, đối chiếu công nợ của đơn vị được kiểm toán liên quan đến nội dung kiểm toán; kiểm tra toàn bộ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến hoạt động kinh tế, tài chính của đơn vị được kiểm toán ở trong và ngoài đơn vị trong quá trình thực hiện kiểm toán;
  • Kiểm tra, xác nhận các thông tin kinh tế, tài chính có liên quan đến đơn vị được kiểm toán ở trong và ngoài đơn vị trong quá trình thực hiện kiểm toán.
  • Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu, thông tin cần thiết có liên quan đến nội dung kiểm toán thông qua đơn vị được kiểm toán.
  • Quyền khác theo quy định của pháp luật.

Nghĩa vụ của kiểm toán viên

Nghĩa vụ của kiểm toán viên được quy định tại Điều 18 Luật kiểm toán độc lập, bao gồm:

  • Tuân thủ nguyên tắc hoạt động kiểm toán độc lập;
  • Không can thiệp vào hoạt động của khách hàng, đơn vị được kiểm toán trong quá trình thực hiện kiểm toán;
  • Từ chối thực hiện kiểm toán cho khách hàng, đơn vị được kiểm toán nếu xét thấy không bảo đảm tính độc lập, không đủ năng lực chuyên môn, không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;
  • Từ chối thực hiện kiểm toán trong trường hợp khách hàng, đơn vị được kiểm toán có yêu cầu trái với đạo đức nghề nghiệp, yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc trái với quy định của pháp luật;
  • Tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức hàng năm;
  • Thường xuyên trau dồi kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp;
  • Thực hiện kiểm toán, soát xét hồ sơ kiểm toán hoặc ký báo cáo kiểm toán và chịu trách nhiệm về báo cáo kiểm toán và hoạt động kiểm toán của mình;
  • Báo cáo định kỳ, đột xuất về hoạt động kiểm toán của mình theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Tuân thủ quy định của Luật này và pháp luật của nước sở tại trong trường hợp hành nghề kiểm toán ở nước ngoài;
  • Chấp hành yêu cầu về kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán theo quy định của Bộ Tài chính;
  • Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Kiểm toán viên là gì đã được giải thích rõ ràng qua vai trò quan trọng của họ trong việc đảm bảo tính trung thực và tuân thủ pháp luật của báo cáo tài chính. Với yêu cầu khắt khe về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và các tiêu chuẩn nghiêm ngặt, kiểm toán viên không chỉ đóng góp vào sự minh bạch tài chính mà còn mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn với mức lương cạnh tranh. Việc hiểu rõ về ngành kiểm toán và các điều kiện để trở thành kiểm toán viên sẽ giúp bạn có cái nhìn sâu sắc hơn về lĩnh vực này. Nếu muốn sử dụng phần mềm quản lý kế toán và kinh doanh hãy liên hệ ngay với Crystalbooks nhé!

>>>Khám phá ngay các bài viết liên quan:

Nổi bật

Xem thêm

Tawk.to Widget
(+84.28) 3848-99-75