Phần mềm Kế toán & Quản lý kinh doanhTin tứcTin tức Kế toán

Kiểm toán nội bộ là gì? Giải đáp thắc mắc về quy trình, thủ tục

Kiểm toán nội bộ là quá trình đánh giá và kiểm tra các hoạt động nội bộ của một tổ chức nhằm đảm bảo rằng các hoạt động này được thực hiện một cách hiệu quả. Hiểu rõ kiểm toán nội bộ là gì sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện hệ thống kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro tốt hơn và đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Kiểm toán nội bộ là gì?

Kiểm toán nội bộ là một hoạt động tư vấn độc lập và khách quan, liên quan đến quản trị, quản lý rủi ro, kiểm soát hệ thống, quy trình,… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đạt được các mục tiêu của mình.

Trong khi kiểm toán độc lập chỉ tập trung vào việc kiểm tra báo cáo tài chính để đảm bảo tính trung thực và hợp lý, kiểm toán nội bộ có thể tham gia vào bất kỳ lĩnh vực nào trong doanh nghiệp, từ mua hàng, sản xuất, bán hàng đến quản lý tài chính, nhân sự và công nghệ thông tin. Mục đích của kiểm toán nội bộ là hỗ trợ công tác quản lý doanh nghiệp, đánh giá các điểm yếu của hệ thống quản lý và xem xét các rủi ro từ cả bên trong và bên ngoài công ty.

Kiểm toán nội bộ là gì trong các doanh nghiệp

Kiểm toán nội bộ là gì trong các doanh nghiệp

Mô tả công việc của kiểm toán nội bộ

Theo Điều 20, Nghị định 05/2019/NĐ-CP thì kiểm toán nội bộ có các nhiệm vụ:

  • Xây dựng quy trình nghiệp vụ kiểm toán nội bộ tại đơn vị trình cấp quản lý trực tiếp xem xét, phê duyệt.
  • Lập kế hoạch kiểm toán nội bộ hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện hoạt động kiểm toán nội bộ theo kế hoạch được phê duyệt.
  • Thực hiện các chính sách, quy trình và thủ tục kiểm toán nội bộ đã được phê duyệt, đảm bảo chất lượng và hiệu quả.
  • Kiểm toán đột xuất và tư vấn theo yêu cầu của các đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 12 Nghị định 05/2019/NĐ-CP.
  •  Kiến nghị các biện pháp sửa chữa, khắc phục sai sót; đề xuất biện pháp nhằm hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ.
  • Lập báo cáo kiểm toán.
  • Thông báo và gửi kịp thời kết quả kiểm toán nội bộ theo quy định.
  • Phát triển, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện phương pháp kiểm toán nội bộ và phạm vi hoạt động của kiểm toán nội bộ để có thể cập nhật, theo kịp sự phát triển của đơn vị.
  • Tư vấn cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong việc lựa chọn, kiểm soát sử dụng dịch vụ kiểm toán độc lập bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
  • Trình bày ý kiến của kiểm toán nội bộ khi có yêu cầu để các đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 12 Nghị định 05/2019/NĐ-CP xem xét, quyết định dự toán ngân sách, phân bổ và giao dự toán ngân sách, quyết toán ngân sách, báo cáo tài chính, báo cáo quản trị.
  • Duy trì việc trao đổi thường xuyên với tổ chức kiểm toán độc lập của đơn vị nhằm đảm bảo hợp tác có hiệu quả.
  • Thực hiện các nhiệm vụ khác do các đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 12 Nghị định 05/2019/NĐ-CP giao hoặc theo quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ của kiểm toán nội bộ

Nhiệm vụ của kiểm toán nội bộ

Các hoạt động chính của kiểm toán nội bộ

Bước 1 - Lập kế hoạch:

  • Xác định mục tiêu và phạm vi: Kiểm toán nội bộ cần xác định rõ ràng mục tiêu và phạm vi của hoạt động kiểm toán.
  • Xem xét các hướng dẫn cần thiết: Bao gồm quy định của pháp luật, tiêu chuẩn ngành, nội quy công ty, chính sách và thủ tục nội bộ.
  •  Đánh giá kết quả và tiến trình trước đó: Kiểm toán nội bộ xem xét kết quả, tiến trình, nhân lực và ngân sách của các cuộc kiểm toán trước đó.
  • Lập kế hoạch chi tiết: Dựa trên các thông tin đã thu thập, kiểm toán nội bộ tạo ra một kế hoạch kiểm toán chi tiết

Bước 2 - Thực hiện kiểm toán:

  • Tiến hành kiểm toán: Kiểm toán nội bộ thực hiện theo kế hoạch đã lập.
  • Theo dõi và ghi chép: Kiểm toán nội bộ theo dõi kiểm kê tiền mặt, tài sản cố định, hàng tồn kho và các tài sản khác, ghi chép kết quả để làm bằng chứng.
  • Đánh giá và điều chỉnh kế hoạch: Nếu kế hoạch chưa chi tiết, kiểm toán nội bộ bổ sung các tiêu chí cần thiết và tiếp tục thực hiện.
  • Ghi lại bằng chứng: Bằng chứng kiểm toán được ghi lại qua nhiều hình thức như ghi chép, hình ảnh, phim chụp, biểu đồ, sơ đồ, biên bản, thư từ, khảo sát, v.v.

Kiểm toán nội bộ ghi chép bằng chứng qua hình ảnh và biên bản

Kiểm toán nội bộ ghi chép bằng chứng qua hình ảnh và biên bản

Bước 3 - Báo cáo kết quả:

  • Báo cáo kết quả: Kiểm toán nội bộ báo cáo kết quả kiểm toán cho ban lãnh đạo doanh nghiệp.
  • Đảm bảo tính rõ ràng và minh bạch: Báo cáo phải ngắn gọn, rõ ràng, minh bạch, chính xác và dễ hiểu.
  • Đưa ra khuyến nghị: Kết quả kiểm toán cần đi kèm với các khuyến nghị khắc phục và sửa chữa sai sót để nâng cao hiệu quả.
  •  Xem xét và phát hành: Ban giám đốc cùng kiểm toán nội bộ xem xét báo cáo trước khi phát hành và phân phối rộng rãi

Bước 4 - Giám sát triển khai:

  • Đưa ra biện pháp sửa chữa: Sau khi kết thúc kiểm toán, kiểm toán nội bộ đề xuất các biện pháp sửa chữa và khắc phục sai sót.
  • Giám sát việc thực hiện: Kiểm toán nội bộ giám sát việc sửa chữa và khắc phục sai sót.
  • Đánh giá hiệu quả: Mục tiêu là đánh giá hiệu quả của các thay đổi trong quy trình kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp.

4 bước công việc chính của kiểm toán nội bộ

Chức năng của kiểm toán nội bộ

Kiểm toán nội bộ có các chức năng sau:

  • Quản lý rủi ro: đánh giá hiệu quả của các quy trình, hệ thống kiểm soát nội bộ, quản trị công ty, kế toán doanh nghiệp.
  • Tư vấn và kiểm soát: Tư vấn xây dựng quy trình, kiểm soát dự án.
  • Kiểm tra và đánh giá: Thực hiện các hoạt động kiểm tra và đưa ra đánh giá khách quan về tính hiệu quả, tuân thủ và hiệu suất kiểm soát.
  • Báo cáo: Đánh giá tình hình tài chính, kinh doanh, hệ thống hoạt động của Doanh nghiệp để báo cáo trực tiếp lên ban giám đốc.

Mục tiêu của kiểm toán nội bộ

Điều 4, Nghị định 05/2019/NĐ-CP đề cập đến mục tiêu của kiểm toán nội bộ là đưa ra các đảm bảo mang tính khách quan, độc lập và khuyến nghị về 3 nội dung:

  • Rủi ro mà đơn vị cần phát hiện và phòng ngừa.
  • Tính hiệu quả và hiệu suất của các quy trình quản lý và quản trị rủi ro của đơn vị.
  • Các mục tiêu, kế hoạch và nhiệm mà đơn vị cần đạt.

Ngoài ra, kiểm toán nội bộ còn có các mục tiêu sau:

  • Gia tăng độ tin cậy và kiểm soát báo cáo tài chính.
  • Cải thiện hiệu quả của hoạt động nội bộ doanh nghiệp.
  • Phát hiện các sai sót, rủi ro và gian lận trong hoạt động kinh doanh.
  • Đánh giá sự tuân thủ của doanh nghiệp trong chính sách nội bộ và quy định của pháp luật.
  • Đảm bảo hoạt động kiểm toán đáp ứng 3 tiêu chí: Hiệu quả, Năng lực và Kinh tế.

Kiểm toán nội bộ đảm bảo khách quan trong quản lý rủi ro và kiểm soát

Kiểm toán nội bộ đảm bảo khách quan trong quản lý rủi ro và kiểm soát

Phạm vi công việc của kiểm toán nội bộ

Trong doanh nghiệp, Kiểm toán nội bộ thực hiện các công việc:

  • Kiểm tra số liệu và thông số kinh doanh để cung cấp thông tin cho ban lãnh đạo.
  • Giám sát và đề xuất cải tiến hệ thống kiểm soát nội bộ nhằm nâng cao hiệu quả.
  • Đánh giá và quản lý nguồn lực để tránh lãng phí, làm việc với kiểm toán độc lập để giải quyết các vấn đề
  • Đề xuất chính sách bảo vệ tài sản cũng như quản lý rủi ro.

Đảm bảo công ty tuân thủ pháp luật và đạo đức kinh doanh, đồng thời hỗ trợ kiểm soát tài chính bằng cách kiểm tra chất lượng và tính trung thực của các báo cáo tài chính.

Sẽ có các phạm vi công việc của kiểm toán nội bộ

Sẽ có các phạm vi công việc của kiểm toán nội bộ

Phát triển nghề nghiệp kiểm toán nội bộ

Kiểm toán viên nội bộ có lộ trình phát triển sự nghiệp rất rộng mở và bài bản như sau:

  • Nhân viên: Sinh viên mới tốt nghiệp ngành kế toán - kiểm toán có thể bắt đầu với các vị trí như kiểm toán viên, kiểm toán kiểm soát nội bộ, kiểm toán hệ thống thông tin, nhân viên đánh giá rủi ro, v.vv..

  • Trưởng đoàn kiểm toán: Sau 5 năm làm việc ở vị trí kiểm toán viên, bạn có thể làm việc ở vị trí kiểm toán viên nội bộ cấp cao.

  • Quản lý giám sát: Khi đã có ít nhất 8 năm kinh nghiệm, bạn có thể trở thành trưởng phòng kiểm toán nội bộ, giám sát kiểm toán, chuyên gia quản trị rủi ro, v.vv..

  • Giám đốc: Sau khoảng 10 năm trong nghề, bạn có thể tham gia các chức vụ mang tính lãnh đạo, chỉ đạo như giám đốc kiểm toán nội bộ, kiểm soát viên, v.vv..

Ngoài ra, bạn hoàn toàn có thể chuyển đổi sang các vị trí kiểm toán hoặc tài chính khác.

Phân biệt kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập

Tuy đều có mục tiêu chung là đảm bảo tính chính xác và minh bạch trong hoạt động tài chính cũng như quản lý của doanh nghiệp, kiểm toán độc lập và kiểm toán nội bộ có nhiều điểm khác nhau về đối tượng, mục đích, chủ thể thực hiện. Cụ thể như sau:

  • Đối tượng kiểm toán: Trong khi kiểm toán độc lập giới hạn trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp thì kiểm toán nội bộ bao trùm tất cả các lĩnh vực trong doanh nghiệp, từ kinh doanh, sản xuất đến tài chính, nhân sự.
  • Mục đích kiểm toán: Kiểm toán độc lập giúp đảm bảo tính trung thực và hợp lý của báo cáo tài chính. Kiểm toán nội bộ giúp đảm bảo hiệu quả, hiệu lực và tuân thủ của của các hoạt động kinh doanh trong doanh nghiệp.
  • Tính độc lập: Kiểm toán độc lập hoạt động hoàn toàn độc lập với Doanh nghiệp được kiểm toán. Kiểm toán nội bộ không độc lập hoàn toàn do nằm dưới sự điều hành của ban giám đốc
  • Chủ thể thực hiện: Kiểm toán độc lập được thực hiện bởi các tổ chức kiểm toán độc lập cung cấp dịch vụ kiểm toán. Kiểm toán nội bộ được thực hiện bởi đội ngũ kiểm toán nội bộ của Doanh nghiệp.
  • Phạm vi hoạt động: Kiểm toán độc lập được thực hiện theo quy định của pháp luận. Kiểm toán nội bộ được thực hiện theo quyết định của Ban giám đốc.
  • Đối tượng sử dụng: Kiểm toán độc lập cần gửi bản báo cáo kiểm toán cho các bên liên quan ngoài doanh nghiệp như ngân hàng, tổ chức tín dụng,… Kiểm toán nội bộ cần gửi báo cáo kiểm toán cho ban giám đốc, các bên liên quan nội bộ và ngoài doanh nghiệp.

Việc hiểu kiểm toán nội bộ là gì và thực hiện kiểm toán nội bộ đúng cách, thường xuyên sẽ góp phần đáng kể vào sự phát triển ổn định và bền vững của doanh nghiệp.

Nổi bật

Liên quan

Xem thêm

Tawk.to Widget
(+84.28) 3848-99-75