Phần mềm Kế toán & Quản lý kinh doanhTin tứcTin tức Thuế

Thuế GTGT là gì? Đối tượng chịu thuế GTGT hiện nay

Thuế giá trị gia tăng có tên viết tắt là VAT và có nguồn gốc từ thuế doanh thu. Trong đó, Pháp là nước đầu tiên giới thiệu và ban hành Luật thuế GTGT vào năm 1954. Hiện nay đã có khoảng hơn 120 quốc gia trên thế giới từ Châu Âu, Châu Mỹ Latin, Châu Phi và một số nước Châu Á đã áp dụng, ban hành Luật thuế GTGT cho nước mình.

Căn cứ theo Điều 2 Luật Thuế GTGT 2008, thuế giá trị gia tăng chính là loại thuế gián thu áp dụng trên khoản giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ trong quá trình sản xuất, lưu thông, tiêu dùng. Bài viết này phần nào sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về các nội dung liên quan đến thuế giá trị gia tăng đang được áp dụng tại các hộ, cá nhân kinh doanh và doanh nghiệp đang hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Thuế giá trị gia tăng là loại thuế gì?

Căn cứ vào Điều 2 của Luật thuế giá trị gia tăng năm 2008, thuế giá trị gia tăng (GTGT) được định nghĩa như sau: Thuế giá trị gia tăng là thuế được tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong suốt quá trình sản xuất, lưu thông và tiêu dùng.

Hoặc có thể hiểu đơn giản hơn là thuế giá trị gia tăng còn có tên gọi khác là thuế VAT (viết tắt là Value-Added Tax), là loại thuế được cộng vào giá bán của hàng hóa, dịch vụ và sẽ do chính người tiêu dùng chi trả khi mua/ sử dụng hàng hóa, dịch vụ này.

Thuế giá trị gia tăng là một dạng thuế gián thu, giúp cân bằng ngân sách của Nhà nước và đóng vai trò thiết yếu trong việc xây dựng và phát triển đất nước. Thuế giá trị gia tăng có nguồn gốc từ Pháp, năm 1954 chính thức được ban hành trong Luật thuế của Pháp và được giới thiệu, áp dụng rộng rãi ở các nước Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ Latin và một số nước Châu Á, trong đó có Việt Nam.

Thuế giá trị gia tăng

Thuế giá trị gia tăng

Đối tượng chịu thuế và người nộp thuế giá trị gia tăng

Đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng: căn cứ vào Điều 3 Thông tư số 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài Chính, ban hành ngày 31/12/2023 có quy định rõ như sau:“Đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) là các loại hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng tại Việt Nam (bao gồm hàng hóa, dịch vụ mua từ tổ chức, cá nhân ở nước ngoài), trừ các đối tượng không chịu thuế GTGT hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC.”

Người nộp thuế giá trị gia tăng: căn cứ vào Điều 3 Thông tư số 219/2013/TT-BTC, người nộp thuế GTGT là tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT ở Việt Nam, không phân biệt ngành nghề, hình thức kinh doanh, cơ sở kinh doanh và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa, mua dịch vụ từ nước ngoài chịu thuế GTGT (sau đây gọi là người nhập khẩu) bao gồm:

  • Những tổ chức kinh doanh được thành lập và đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệpLuật Doanh nghiệp Nhà nước (nay là Luật Doanh nghiệp), Luật Hợp tác xã và các pháp luật kinh doanh chuyên ngành khác;
  • Những tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức sự nghiệp và các tổ chức khác;
  • Những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc có bên nước ngoài tham gia hợp tác kinh doanh theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (nay là Luật đầu tư); các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động kinh doanh ở Việt Nam mà không thành lập pháp nhân tại Việt Nam;
  • Các cá nhân, hộ gia đình, nhóm người kinh doanh độc lập và các đối tượng khác có thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu;
  • Những tổ chức, cá nhân thực hiện sản xuất kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ (kể cả trường hợp mua dịch vụ gắn với hàng hóa) của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, hoặc từ những cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân mua dịch vụ là người nộp thuế, trừ trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT hướng dẫn tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này.

Các quy định về cơ sở thường trú và đối tượng không cư trú phải được thực hiện theo pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân.

  • Chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất được thành lập để thực hiện các hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam phải tuân theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.

Cách tính thuế giá trị gia tăng

Hình thức tính thuế GTGT

Hình thức tính thuế GTGT

Hiện tại, sẽ có hai cách tính thuế giá trị gia tăng là tính thuế theo phương pháp khấu trừ phương pháp trực tiếp đang được áp dụng tại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Và tùy thuộc vào đặc điểm hoạt động kinh doanh của từng doanh nghiệp, kế toán sẽ chọn sử dụng phương pháp tính thuế nào cho phù hợp.

Thuế giá trị gia tăng được tính dựa vào công thức:

Thuế giá trị gia tăng = Giá tính thuế GTGT   x   Thuế suất VAT

Theo công thức trên, có thể thấy số tiền thuế giá trị gia tăng tính được sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố là giá tính thuế GTGT và thuế suất VAT, cụ thể:

Giá dùng để tính thuế GTGT: căn cứ vào Điều 7 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013, 2014), giá dùng để tính thuế được quy định như sau:

  • Đối với hàng hóa, dịch vụ do cơ sở sản xuất, kinh doanh bán ra là giá bán chưa có thuế giá trị gia tăng; đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán đã có thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng chưa có thuế giá trị gia tăng; đối với hàng hóa chịu thuế bảo vệ môi trường là giá bán đã có thuế bảo vệ môi trường nhưng chưa có thuế giá trị gia tăng; đối với hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường là giá bán đã có thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường nhưng chưa có thuế giá trị gia tăng.
  • Đối với hàng hóa nhập khẩu là giá nhập tại cửa khẩu cộng với thuế nhập khẩu (nếu có), cộng với thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) và cộng với thuế bảo vệ môi trường (nếu có). Giá nhập tại cửa khẩu được xác định theo quy định về giá tính thuế hàng nhập khẩu.
  • Đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để trao đổi, tiêu dùng nội bộ, biếu tặng cho là giá tính thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh các hoạt động này.
  • Đối với hoạt động cho thuê tài sản là số tiền cho thuê chưa có thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cho thuê theo hình thức trả tiền thuê từng kỳ hoặc trả trước tiền thuê cho thời hạn thuê thì giá tính thuế là số tiền cho thuê trả từng kỳ hoặc trả trước cho thời hạn thuê chưa có thuế giá trị gia tăng.
  • Đối với hàng hóa bán theo phương thức trả góp, trả chậm là giá tính theo giá bán trả một lần chưa có thuế giá trị gia tăng của hàng hóa đó, không bao gồm khoản lãi trả góp, lãi trả chậm.
  • Đối với gia công hàng hóa là giá gia công chưa có thuế giá trị gia tăng.
  • Đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt là giá trị công trình, hạng mục công trình hay phần công việc thực hiện bàn giao chưa có thuế giá trị gia tăng. Trường hợp xây dựng, lắp đặt không bao thầu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị thì giá tính thuế là giá trị xây dựng, lắp đặt không bao gồm giá trị nguyên vật liệu và máy móc, thiết bị.
  • Đối với hoạt động kinh doanh bất động sản là giá bán bất động sản chưa có thuế giá trị gia tăng, trừ giá chuyển quyền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước.
  • Đối với hoạt động đại lý, môi giới mua bán hàng hóa và dịch vụ hưởng hoa hồng là tiền hoa hồng thu được từ các hoạt động này chưa có thuế giá trị gia tăng.
  • Đối với hàng hóa, dịch vụ được sử dụng chứng từ thanh toán ghi giá thanh toán là giá đã có thuế giá trị gia tăng thì giá tính thuế được xác định theo công thức sau:

Giá chưa có thuế giá trị gia tăng

=

Giá thanh toán

1  +  Thuế suất HH,DV (%)

 

Thuế suất VAT: theo quy định của Luật thuế giá trị gia tăng 2018 tại Việt Nam, bao gồm các mức thuế suất là 0%, 5% và 10%. Mức thuế suất này được áp dụng cho các nhóm hàng hóa, dịch vụ khác nhau, ví dụ:

Nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 0%: bao gồm các nhóm Chuyển nhượng trí tuệ nhân tạo, chuyển giao công nghệ ra nước ngoài - Dịch vụ tái bảo hiểm ra nước ngoài - Dịch vụ cung cấp tín dụng - Dịch vụ các khoản tài chính phát sinh - Dịch vụ bưu chính, viễn thông và Nhóm 18 hàng hóa xuất khẩu được quy định tại Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 sửa đổi bổ sung năm 2013.

Nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 5%: bao gồm các nhóm

  • Nước phục vụ cho hoạt động sinh hoạt và sản xuất
  • Quặng nhằm sản xuất phân bón, thuốc sâu phòng bệnh, các chất kích thích tăng trưởng cây trồng
  • Các dịch vụ đào đất, nạo vét kênh, mương phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh đối với các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp
  • Các sản phẩm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy hải sản, chưa qua chế biến.
  • Các loại thực phẩm tươi sống, chưa qua sơ chế, chế biến.
  • Các phụ phẩm và nguyên liệu dùng để sản xuất đường.
  • Dịch vụ khoa học, công nghệ theo quy định.
  • Bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật nhà ở.
  • Mủ cao su sơ chế, nhựa thông sơ chế, lưới, dây giềng và sợi để đan lưới đánh cá.
  • Các sản phẩm thủ công được sản xuất từ nguyên liệu như đay, cói, tre, nứa, lá, rơm, vỏ dừa, sọ dừa, bèo tây và sản phẩm được làm từ nông nghiệp; bông sơ chế; giấy in báo.
  • Các thiết bị, dụng cụ phục vụ y tế.
  • Dụng cụ, giáo cụ phục vụ cho việc giảng dạy, học tập.
  • Hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim.

Nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 10%: bao gồm các hàng hóa, dịch vụ không chịu mức thuế suất 0%, 5% như đã liệt kê ở trên.

Các phương pháp dùng để tính thuế giá trị gia tăng

Hiện tại, theo Luật thuế giá trị gia tăng năm 2018, có hai phương pháp dùng để tính thuế giá trị gia tăng là phương pháp khấu trừ phương pháp trực tiếp trên doanh thu.

Tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ và phương pháp trực tiếp

Tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ và phương pháp trực tiếp

Phương pháp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ

Căn cứ vào khoản 5, Điều 12 Thông tư 219/2013/TT-BTC đối với doanh nghiệp áp dụng theo phương pháp khấu trừ thì số tiền thuế GTGT phải nộp được xác định theo công thức dưới đây

(*) Số thuế GTGT phải nộp =  Số thuế GTGT đầu ra  -  Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ

Trong đó, hai chỉ tiêu số thuế giá trị gia tăng đầu ra và số thuế giá trị gia tăng đầu vào sẽ có công thức tính riêng cho mỗi chỉ tiêu, cụ thể:

Với chỉ tiêu Số thuế GTGT đầu ra sẽ bằng tổng số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng, công thức sẽ là:

Thuế GTGT ghi trên hóa đơn bán ra

 = 

 Giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế bán ra

 x 

Thuế suất thuế GTGT của hàng hóa, dich vụ bán ra

Trường hợp sử dụng chứng từ ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT thì thuế GTGT đầu ra được xác định bằng giá thanh toán trừ (-) đi giá chưa có thuế GTGT, trong đó:

Giá chưa có thuế GTGT

=

Giá thanh toán

1 + Thuế suất của hàng hóa, dịch vụ (%)

 

Với chỉ tiêu số thuế GTGT đầu vào sẽ bằng tổng số thuế GTGT ghi trên hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ (gồm TSCĐ) dùng trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT. Số thuế giá trị gia tăng trên chứng từ nộp thuế của hàng hóa nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía đối tác nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính đối với những tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân và cá nhân nước ngoài kinh doanh, có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.

Trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng chứng từ đặc thù và ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT thì thuế GTGT đầu vào bằng giá thanh toán trừ (-) đi giá chưa có thuế GTGT, trong đó:

 

Giá chưa có thuế GTGT

=

Giá thanh toán

1 + Thuế suất của hàng hóa, dịch vụ (%)

 

Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ phải xác định theo nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 9 Thông tư 151/2014/TT-BTC và khoản 9 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC)” và điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào “Điều 15 Thông tư 219/2013/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 10 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC và Điều 1 Thông tư 173/2016/TT-BTC)”

Như vậy, theo như công thức (*) ở trên ta thấy được là:

  • Nếu số thuế GTGT phải nộp lớn hơn 0, tức là số thuế GTGT đầu ra vượt quá số thuế GTGT đầu vào, thì doanh nghiệp phải nộp thuế.. Nhưng có phải nộp thuế hay không thì còn phụ thuộc vào số thuế GTGT được khấu trừ từ kỳ trước chuyển sang.
  • Nếu số thuế GTGT phải nộp < 0 hiểu là doanh nghiệp không phải nộp thuế hoặc số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng (nếu kê khai theo tháng) hoặc trong quý (nếu kê khai theo quý) thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo.

Phương pháp tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp

Căn cứ tại Điều 11 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 các loại hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh được tính thuế theo phương pháp trực tiếp, bao gồm:

  • Các doanh nghiệp, hợp tác xã có doanh thu từ bán hàng, cung ứng dịch vụ hàng năm nhỏ hơn một tỷ đồng.
  • Các doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập.
  • Cơ sở kinh doanh và tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam nhưng không có cơ sở thường trú và có thu nhập phát sinh tại Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ.
  • Các cơ sở kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý.

Công thức tính thuế GTGT áp dụng đối với hoạt động mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý:

Số thuế GTGT phải nộp = Giá trị gia tăng   x   Thuế suất VAT

Trong đó:

  • Công thức tính chỉ tiêu Giá trị gia tăng = Giá thanh toán bán ra  -  Giá thanh toán mua vào tương ứng vàng, bạc, đá quý.
  • Giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý bán ra: là giá được ghi trên hóa đơn bán ra, bao gồm cả tiền công chế tác (nếu có), thuế GTGT và các khoản phí phụ thu thêm.
  • Giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý mua vào là giá trị của vàng, bạc, đá quý được mua trong nước hoặc nhập khẩu, đã bao gồm thuế GTGT, sử dụng cho hoạt động mua bán và chế tác vàng, bạc, đá quý để bán ra tương ứng.
  • Thuế suất VAT của mặt hàng vàng, bạc, đá quý là mức 10%.

Công thức tính thuế GTGT áp dụng đối với các hoạt động khác (không thuộc hoạt động mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý)

Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu   x   Tỷ lệ %

Trong đó, tỷ lệ % dùng để tính thuế giá trị gia tăng dựa trên doanh thu được quy định chi tiết theo từng ngành nghề hoạt động gồm:

  • Tỷ lệ 1% - áp dụng cho hoạt động phân phối, cung cấp hàng hóa
  • Tỷ lệ 5% - áp dụng cho hoạt động dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu.
  • Tỷ lệ 3% - áp dụng cho hoạt động sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu.
  • Tỷ lệ 2% - áp dụng cho các loại hoạt động kinh doanh khác.

Doanh thu của các hoạt động để tính thuế GTGT được tính bằng tổng số tiền bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được viết trên hóa đơn bán hàng đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng, kèm theo các khoản phí phụ thu thêm. Trong trường hợp các tổ chức, cơ sở kinh doanh có doanh thu từ bán hàng, cung ứng dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc thuộc doanh thu từ hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, thì không áp dụng tỷ lệ nêu trên.

Lưu ý: trường hợp người nộp thuế không xác định được doanh thu theo từng nhóm lĩnh vực, ngành nghề có tỷ lệ thuế giá trị gia tăng khác nhau do không tách riêng ra được thì phải áp dụng mức tỷ lệ cao nhất của nhóm ngành mà cơ sở sản xuất kinh doanh đó tham gia.

Tương tự, trong trường hợp một hợp đồng kinh doanh trọn gói bao gồm nhiều hoạt động bán hàng thuộc các nhóm ngành nghề có tỷ lệ thuế GTGT khác nhau, cần áp dụng mức tỷ lệ thuế GTGT cao nhất của các nhóm ngành có liên quan đến hợp đồng đó để xác định số thuế GTGT phải nộp theo phương pháp trực tiếp.

Hướng dẫn kê khai nộp thuế GTGT chi tiết

Phần thông tin chung

Chỉ tiêu [01a] - Tên hoạt động sản xuất kinh doanh: Người nộp thuế cần lựa chọn một trong các hoạt động sản xuất kinh doanh sau. Nếu người nộp thuế có nhiều hoạt động khác nhau, mỗi hoạt động sẽ được kê khai trên một tờ khai riêng.

(1) Hoạt động sản xuất và kinh doanh thông thường.
(2) Hoạt động xổ số kiến thiết và xổ số điện toán.
(3) Hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí.
(4) Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà để chuyển nhượng tại địa bàn khác tỉnh nơi đóng trụ sở chính.
(5) Nhà máy sản xuất điện tại địa bàn khác tỉnh nơi đóng trụ sở chính.

Chỉ tiêu [01b] - Kỳ tính thuế: Người nộp thuế khai kỳ tính thuế dựa trên tháng phát sinh nghĩa vụ thuế. Trường hợp khai thuế theo quý hoặc doanh nghiệp mới thành lập, ghi kỳ tính thuế là quý phát sinh nghĩa vụ thuế.

Chỉ tiêu [02], [03]: Chọn “Lần đầu” nếu đây là lần khai thuế đầu tiên. Nếu có sai sót trong hồ sơ khai thuế lần đầu, người nộp thuế cần khai bổ sung theo từng lần bổ sung, lưu ý:

  • Người nộp thuế khai qua hệ thống điện tử Etax, hệ thống sẽ xác định Tờ khai thuế “Lần đầu” theo hoạt động sản xuất kinh doanh tại chỉ tiêu [01a].
  • Sau khi có thông báo chấp nhận Tờ khai thuế "Lần đầu", các tờ khai thuế tiếp theo trong cùng kỳ tính thuế và hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ là tờ khai “Bổ sung”.

Chỉ tiêu [04], [05]: Cung cấp thông tin “Tên người nộp thuế và mã số thuế” theo thông tin đăng ký doanh nghiệp hoặc đăng ký thuế.

Chỉ tiêu [06], [07], [08]: Nếu khai thuế qua đại lý thuế, cung cấp thông tin “Tên đại lý thuế, mã số thuế” và thông tin hợp đồng đại lý thuế (số hợp đồng, ngày ký). Đại lý thuế cần có trạng thái “Đang hoạt động” và hợp đồng còn hiệu lực tại thời điểm khai thuế.

Chỉ tiêu [09], [10], [11]: Nếu người nộp thuế khai riêng thuế GTGT cho đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh tại tỉnh khác trụ sở chính, thực hiện khai theo các quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.

Phần kê khai các chỉ tiêu có trong bảng

  1. Không phát sinh hoạt động mua, bán trong kỳ

Chỉ tiêu [21]: Nếu trong kỳ không có hoạt động mua, bán, người nộp thuế vẫn phải lập tờ khai gửi cơ quan thuế (trừ trường hợp tạm ngừng hoạt động). Ghi dấu “X” vào chỉ tiêu [21], không được điền số 0 vào các chỉ tiêu liên quan đến giá trị và thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ trong kỳ.

  1. Thuế GTGT còn được khấu trừ chuyển sang kỳ sau

Chỉ tiêu [22]: Khai báo số thuế GTGT chưa sử dụng hết và được chuyển sang từ kỳ trước (ghi tại chỉ tiêu [43] của tờ khai GTGT mẫu số 01/GTGT kỳ trước).

  1. Kê khai thuế GTGT phải nộp vào Ngân sách Nhà nước

Hàng hóa, dịch vụ mua vào trong kỳ:

  • Giá trị và thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào:Bao gồm chỉ tiêu [23] và chỉ tiêu [24] phản ánh toàn bộ giá trị hàng hóa, dịch vụ và thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào trong kỳ.
    • Chỉ tiêu [23]:Ghi tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào trong kỳ chưa bao gồm thuế GTGT (không bao gồm hàng hóa, dịch vụ dùng cho dự án đầu tư đã khai vào tờ khai thuế dành cho dự án đầu tư mẫu số 02/GTGT). Nếu có tài sản cố định hoặc hàng hóa, dịch vụ dùng chung cho sản xuất kinh doanh chịu thuế GTGT và không chịu thuế, không hạch toán riêng, khai chung tại chỉ tiêu này. Trường hợp hóa đơn mua vào là loại hóa đơn đặc thù (tem, vé vận tải,...), cần căn cứ giá mua có thuế GTGT để tính giá trị chưa có thuế GTGT.
    • Chỉ tiêu [24]: Ghi số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào trong kỳ (không bao gồm thuế đầu vào cho dự án đầu tư). Các hóa đơn bất hợp pháp không được khai vào chỉ tiêu này.
    • Chỉ tiêu [23a], [24a]:Ghi riêng giá trị và thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu.
  • Thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào được khấu trừ kỳ này:
    • Chỉ tiêu [25]:Ghi tổng số thuế GTGT mua vào đã kê khai tại chỉ tiêu [24], đủ điều kiện khấu trừ theo quy định pháp luật.

Hàng hóa, dịch vụ bán ra trong kỳ:

  • Hàng hóa, dịch vụ bán ra không chịu thuế GTGT
    • Chỉ tiêu [26]: Ghi giá trị hàng hóa, dịch vụ bán ra không chịu thuế GTGT trong kỳ.
  • Hàng hóa, dịch vụ bán ra chịu thuế GTGT:
    • Chỉ tiêu [27]- Giá trị hàng hóa, dịch vụ bán ra chịu thuế GTGT: Tính theo công thức [27] = [29] + [30] + [32] + [32a].
    • Chỉ tiêu [28]- Thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra: Tính theo công thức [28] = [31] + [33].
    • Chỉ tiêu [29], [30], [31], [32], [32a], [33]:Chi tiết theo các thuế suất 0%, 5%, 10%, hoặc các trường hợp không phải kê khai thuế GTGT.
  • Tổng doanh thu và thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra:
    • Chỉ tiêu [34] - Tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ bán ra: Tính theo công thức [34] = [26] + [27].
    • Chỉ tiêu [35] – Thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra: Tính theo công thức [35] = [28].

Thuế GTGT phát sinh trong kỳ:

  • Chỉ tiêu [36] - Thuế GTGT phát sinh trong kỳ: Tính theo công thức [36] = [35] - [25].

Điều chỉnh thuế GTGT còn được khấu trừ của các kỳ trước:

  • Chỉ tiêu [37] và [38]:Ghi số thuế được điều chỉnh tăng/giảm theo Tờ khai bổ sung mẫu số 01/KHBS, hoặc theo quyết định của cơ quan thuế.

Thuế GTGT nhận bàn giao được khấu trừ trong kỳ:

  • Chỉ tiêu [39a]: Ghi thuế GTGT còn được khấu trừ chưa đề nghị hoàn của dự án đầu tư chuyển giao cho người nộp thuế.

Xác định nghĩa vụ thuế GTGT phải nộp trong kỳ:

  • Thuế GTGT phải nộp trong kỳ:
    • Chỉ tiêu [40a]- Thuế GTGT phải nộp trong kỳ: Tính theo công thức [40a] = ([36] - [22] + [37] - [38] - [39a]) ≥ 0.
    • Chỉ tiêu [40b]- Thuế GTGT của dự án đầu tư được bù trừ với thuế GTGT còn phải nộp trong kỳ: Tính theo tổng thuế GTGT đã khai tại chỉ tiêu [28a] và [28b] của tờ khai thuế GTGT mẫu số 02/GTGT.
    • Chỉ tiêu [40]- Thuế GTGT còn phải nộp trong kỳ: Tính theo công thức [40] = [40a] - [40b].
    • Chỉ tiêu [41]- Thuế GTGT chưa khấu trừ hết trong kỳ: Tính theo công thức [41] = ([36] - [22] + [37] - [38] - [39a]) ≤ 0.
    • Chỉ tiêu [42] - Thuế GTGT đề nghị hoàn: Ghi thuế GTGT đủ điều kiện hoàn theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế.
    • Chỉ tiêu [43] - Thuế GTGT còn được khấu trừ chuyển kỳ sau: Tính theo công thức [43] = [41] - [42].

Như vậy, hy vọng qua bài viết này của CrystalBooks sẽ giúp các bạn hiểu hơn về thuế giá trị gia tăng, đối tượng chịu thuế và các mức thuế suất đang áp dụng đối với từng loại hình doanh nghiệp, từng mặt hàng. Ngoài ra, bài viết cũng giúp làm rõ hơn về các cách tính thuế giá trị gia tăng để áp dụng cho doanh nghiệp mình, từ đó hạn chế được một số sai sót, nhầm lẫn trong công tác kế toán liên quan đến thuế giá trị gia tăng.

>>>Khám phá các bài viết liên quan:

Nổi bật

Xem thêm

Tawk.to Widget
(+84.28) 3848-99-75