Tổng hợp danh sách chuẩn mực kế toán Việt Nam mới nhất
Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập nền tảng cho các doanh nghiệp khi lập báo cáo tài chính, đảm bảo tính trung thực và minh bạch cho các nhà đầu tư. Được áp dụng rộng rãi, VAS giúp các doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp lý và cung cấp thông tin tài chính chính xác. Vậy nội dung của chuẩn mực kế toán Việt Nam bao gồm những gì? Và VAS có những điểm khác biệt nào so với chuẩn mực quốc tế IFRS? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.
Chuẩn mực kế toán là gì?
Chuẩn mực kế toán là quy định cơ bản để lập báo cáo tài chính
Chuẩn mực kế toán được định nghĩa tại Điều 7, Luật kế toán 88/2015/QH13 như sau “Chuẩn mực kế toán gồm những quy định và phương pháp kế toán cơ bản để lập báo cáo tài chính”
Đây là tập hợp các nguyên tắc và yêu cầu cơ bản giúp người làm kế toán nhận thức, ghi chép cũng như phản ánh các nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Kết cấu của chuẩn mực gồm mục đích, phạm vi, định nghĩa và nội dung chính về nguyên tắc, phương pháp, yêu cầu lập và trình bày báo cáo tài chính. Bộ Tài Chính Việt Nam chịu trách nhiệm ban hành các chuẩn mực này, dựa trên chuẩn mực quốc tế và phù hợp với các điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Hiện tại có 2 chuẩn mực kế toán được áp dụng tại Việt Nam là Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) gồm 26 chuẩn mực và Chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS/IFRS) được sử dụng trong các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Chuẩn mực kế toán giúp ghi chép các nghiệp vụ kinh tế
Tổng hợp các hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam
Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống VAS có 26 chuẩn mực được ban hành qua các Quyết định (149/2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001; 165/2002/QĐ-BTC ngày 31/12/2002; 234/2003/QĐ-BTC ngày 30/12/2003; 12/2005/QĐ-BTC ngày 15/02/2005; 100/2005/QĐ-BTC ngày 28/12/2005) và Thông tư (20/2006/TT-BTC ngày 20/03/2006 21/2006/TT-BTC ngày 20/03/2006; 161/2007/TT-BTC ngày 31/12/2007).
- VAS 01 - Chuẩn mực chung: Áp dụng cho mọi doanh nghiệp, quy định các nguyên tắc kế toán cơ bản như ghi nhận nghiệp vụ theo cơ sở dồn tích, lập BCTC liên tục, ghi nhận giá gốc và đảm bảo sự phù hợp giữa doanh thu và chi phí.
- VAS 02 - Hàng tồn kho: Áp dụng kế toán hàng tồn kho theo nguyên tắc giá gốc, quy định các nguyên tắc và phương pháp kế toán hàng tồn kho bao gồm xác định giá trị, lập dự phòng giảm giá và phương pháp tính giá trị hàng tồn kho. Quy định tại Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001.
- VAS 03 - Tài sản cố định hữu hình: Áp dụng kế toán TSCĐ hữu hình, quy định các nguyên tắc và phương pháp kế toánvề tiêu chuẩn xác định TSCĐ hữu hình, thời điểm ghi nhận, xác định giá trị trước và sau ghi nhận ban đầu, chi phí phát sinh, khấu hao, nhượng bán và thanh lý TSCĐ hữu hình. Quy định tại Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001.
- VAS 04 - Tài sản cố định vô hình: Áp dụng kế toán TSCĐ vô hình, quy định các nguyên tắc và phương pháp kế toán về tiêu chuẩn xác định TSCĐ vô hình, thời điểm ghi nhận, xác định giá trị trước và sau ghi nhận ban đầu, chi phí phát sinh, khấu hao và nhượng bán TSCĐ vô hình. Quy định tại Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001.
- VAS 05 - Bất động sản đầu tư: Quy định các nguyên tắc và phương pháp kế toán đối với điều kiện ghi nhận bất động sản đầu tư, xác định giá trị trước và sau ghi nhận ban đầu, chi phí phát sinh, chuyển đổi mục đích sử dụng, thanh lý bất động sản đầu tư. Quy định tại Quyết định số 234/2003/QĐ-BTC ngày 31/12/2003.
- VAS 06 - Thuê tài sản: Áp dụng cho kế toán thuê tài sản, quy định các nguyên tắc và phương pháp kế toán cho bên thuê và bên cho thuê, bao gồm thuê tài chính và thuê hoạt động.
- VAS 07 - Kế toán khoản đầu tư vào công ty liên kết: Quy định các nguyên tắc và phương pháp kế toán, các khoản đầu tư vào công ty liên kết trong báo cáo tài chính riêng của nhà đầu tư và và báo cáo tài chính hợp nhất. Quy định tại Quyết định số 234/2003/QĐ-BTC ngày 31/12/2003.
- VAS 08 - Thông tin tài chính về những khoản vốn góp liên doanh: Quy định các nguyên tắc và phương pháp kế toán các khoản vốn góp liên doanh bao gồm các hình thức liên doanh, báo cáo tài chính riêng và hợp nhất của các bên góp vốn liên doanh. Quy định tại Quyết định số 234/2003/QĐ-BTC ngày 31/12/2003.
- VAS 10 - Ảnh hưởng của thay đổi tỷ giá hối đoái: Áp dụng cho kế toán viên có giao dịch bằng ngoại tệ, quy định các nguyên tắc và phương pháp kế toán ảnh hưởng do thay đổi tỷ giá hối đoái.
- VAS số 11 - Hợp nhất kinh doanh: Quy định các nguyên tắc và phương pháp kế toán việc hợp nhất kinh doanh, bao gồm xác định bên mua, giá phí hợp nhất, phân bổ giá phí, và ghi nhận tài sản thuế thu nhập hoãn lại.
- VAS 14 - Doanh thu và thu nhập khác: Áp dụng kế toán doanh thu và thu nhập khác, quy định các nguyên tắc và phương pháp kế toán doanh thu, phân loại, thời điểm ghi nhận doanh thu, và lập báo cáo tài chính. Quy định tại Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001.
- VAS 15 - Hợp đồng xây dựng: Áp dụng cho kế toán hợp đồng xây dựng, quy định các nguyên tắc, các phương pháp kế toán doanh thu và chi phí liên quan đến hợp đồng xây dựng.
- VAS 16 - Chi phí đi vay: Áp dụng cho kế toán chi phí đi vay, quy định các nguyên tắc và phương pháp kế toán đối với chi phí đi vay, bao gồm ghi nhận và vốn hóa chi phí đi vay.
- VAS số 17 - Thuế thu nhập doanh nghiệp: Quy định và hướng dẫn các nguyên tắc, phương pháp kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm cơ sở tính thuế, ghi nhận thuế thu nhập hiện hành và hoãn lại, và trình bày báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Quy định tại quyết định số 212/2005/QĐ-BTC ngày 15/02/2005.
- VAS số 18 - Các khoản dự phòng, tài sản và nợ tiềm tàng: Quy định nguyên tắc ghi nhận, xác định giá trị ước tính hợp lý, và trình bày báo cáo tài chính liên quan đến các khoản dự phòng và nợ tiềm tàng.
- VAS số 19 - Hợp đồng bảo hiểm: Quy định các nguyên tắc, phương pháp đánh giá và ghi nhận các yếu tố của hợp đồng bảo hiểm, bao gồm công cụ phái sinh, kiểm tra tính đầy đủ của các khoản nợ bảo hiểm, và trình bày báo cáo tài chính.
- VAS 21 - Trình bày Báo cáo tài chính: Quy định các yêu cầu và nguyên tắc chung về việc lập cũng như trình bày báo cáo tài chính bao gồm mục đích, trách nhiệm và yêu cầu khi lập báo cáo tài chính, nguyên tắc lập, kết cấu và nội dung chủ yếu của các báo cáo tài chính. Quy định tại Quyết định số 234/2003/QĐ-BTC ngày 31/12/2003.
- VAS số 22 - Trình bày bổ sung báo cáo tài chính của các ngân hàng và tổ chức tài chính tương tự: Quy định việc trình bày bổ sung các thông tin cần thiết trong báo cáo tài chính của ngân hàng, bao gồm bảng cân đối kế toán và các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn. Quy định tại quyết định số 212/2005/QĐ-BTC ngày 15/02/2005.
- VAS số 23 - Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán: Quy định các trường hợp doanh nghiệp phải điều chỉnh báo cáo tài chính và các nguyên tắc điều chỉnh khi có sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm. Quy định tại quyết định số 212/2005/QĐ-BTC ngày 15/02/2005.
- VAS 24 - Báo cáo lưu chuyển tiền tệ: Áp dụng để lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ, quy định các nguyên tắc và phương pháp lập và trình bày báo cáo lưu chuyển tiền tệ
- VAS 25 - Báo cáo tài chính hợp nhất và kế toán khoản đầu tư vào công ty con: Quy định lập và trình bày, phạm vi, trình tự báo cáo tài chính hợp nhất của tập đoàn và thể hiện các khoản đầu tư vào công ty con trong báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ. Quy định tại Quyết định số 234/2003/QĐ-BTC ngày 31/12/2003.
- VAS 26 - Thông tin về các bên liên quan: Quy định các nguyên tắc và phương pháp trình bày thông tin trong báo cáo tài chính về mối quan hệ và giao dịch giữa doanh nghiệp báo cáo với các bên liên quan. Quy định tại Quyết định số 234/2003/QĐ-BTC ngày 31/12/2003.
- VAS số 27 - Báo cáo tài chính giữa niên độ: Quy định nội dung tối thiểu của báo cáo tài chính tóm lược giữa niên độ và các nguyên tắc ghi nhận, đánh giá khi lập báo cáo. Quy định tại quyết định số 212/2005/QĐ-BTC ngày 15/02/2005.
- VAS số 28 - Báo cáo bộ phận: Quy định nguyên tắc và phương pháp lập báo cáo các thông tin tài chính theo bộ phận, về lĩnh vực kinh doanh và khu vực địa lý. Quy định tại quyết định số 212/2005/QĐ-BTC ngày 15/02/2005.
- VAS số 29 - Thay đổi chính sách kế toán và ước tính kế toán, các sai sót: Quy định và hướng dẫn các nguyên tắc, các phương pháp kế toán và trình bày sự thay đổi trong các chính sách kế toán, ước tính kế toán và sửa chữa sai sót. Quy định tại quyết định số 212/2005/QĐ-BTC ngày 15/02/2005.
- VAS số 30 - Lãi trên cổ phiếu: Quy định các nguyên tắc, các phương pháp kế toán trong việc xác định và trình bày lãi trên cổ phiếu, bao gồm lãi cơ bản và lãi suy giảm trên cổ phiếu, và trình bày trong báo cáo tài chính.
Sự khác biệt giữa VAS và IAS/IFRS
Sự khác biệt giữa VAS và IAS/IFRS
Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) do Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IASB) ban hành, hướng dẫn việc lập và trình bày báo cáo tài chính toàn cầu. Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (VAS) dựa trên IFRS nhưng có khác biệt về thuật ngữ, phương pháp và phạm vi trình bày.
Các khác biệt trên chủ yếu đến từ việc VAS được xây dựng dựa trên IAS/IFRS nhưng không áp dụng tất cả mà có điều chỉnh và sửa đổi dựa trên thực tế Kinh tế - Xã hội Việt Nam, một số cách diễn dịch của VAS dựa trên quan điểm của cơ quan ban hành có thẩm quyền và IFRS liên tục được sửa đổi và phát triển theo tình hình thế giới.
Báo cáo tài chính
- IFRS gồm Bảng cân đối kế toán (hay báo cáo tình hình tài chính), Báo cáo lãi lỗ và thu nhập toàn diện khác, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, Báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu (SOCE) và Thuyết minh BCTC.
- VAS gồm Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả HĐKD, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ và Thuyết minh BCTC (bao gồm thuyết minh thay đổi vốn chủ sở hữu)
Hệ thống tài khoản và biểu mẫu báo cáo tài chính
- Bộ Tài chính Việt Nam quy định hệ thống tài khoản (COA) và biểu mẫu BCTC chuẩn cho VAS, khi có thay đổi với các tài khoản hay biểu mẫu được quy định thì phải có sự chấp thuận của Bộ Tài chính.
- IFRS không có quy định về cấu trúc hay định dạng của hệ thống tài khoản hoặc biểu mẫu BCTC mà doanh nghiệp được tự xây dựng các cấu trúc này dựa trên thực tế hoạt động và yêu cầu quản trị của mình.
>>>Khám phá ngay:
Top 10+ kỹ năng kế toán mà các nhà tuyển dụng tìm kiếm
Muốn trở thành kế toán giỏi cần những điều kiện gì?
Đồng tiền kế toán và đồng tiền chức năng
Để hiểu được sự khác biệt này, cần phân biệt khái niệm Đồng tiền kế toán và đồng tiền chức năng là gì.
Đồng tiền kế toán (Accounting Currency) là đơn vị tiền tệ dùng để ghi lại các giao dịch trong sổ sách hoặc báo cáo tài chính, thường trùng với tiền tệ địa phương nơi công ty hoạt động. Tại Việt Nam, đồng tiền kế toán là Việt Nam Đồng (VND).
Đồng tiền chức năng (Functional Currency) là khái niệm tiền tệ mà một công ty đa quốc gia thường sử dụng, đại diện cho môi trường kinh tế chính mà công ty hoạt động.
- IFRS yêu cầu đơn vị báo cáo ghi nhận giao dịch kế toán bằng đồng tiền chức năng. Nếu sử dụng đơn vị khác với đồng tiền chức năng thì phải áp dụng phương pháp chuyển đổi tại IAS 21.
- VAS sử dụng đồng tiền kế toán là VND, đơn vị được sử dụng ngoại tệ (có thể hiểu là một cách áp dụng đồng tiền chức năng) để trình bày và hạch toán báo cáo tài chính nếu đáp ứng các điều kiện quy định và phải chuyển đổi sang đồng tiền kế toán để nộp cho cơ quan có thẩm quyền.
Phân biệt đồng tiền kế toán và đồng tiền chức năng
Giá trị hợp lý
Giá trị hợp lý là giá có thể nhận được khi bán tài sản hoặc chuyển nhượng nợ trong một giao dịch tự nguyện giữa các bên tham gia thị trường tại ngày xác định giá trị. IFRS có quy định cụ thể về giá trị này (IFRS 13) trong khi VAS về cơ bản vẫn dùng khái niệm Giá gốc (giá mua vào).
VAS và IFRS cũng có những khác biệt cụ thể về mặt quy định và tính toán đối với các chỉ tiêu sau:
- Các công cụ tài chính
- Tài sản cố định (hữu hình và vô hình)
- Bất động sản đầu tư
- Thuê tài chính
- Trích lập dự phòng
- Doanh thu
- Quỹ phúc lợi nhân viên
- Thanh toán trên cơ sở cổ phiếu
- Hợp nhất kinh doanh, kiểm soát
- Lợi ích cổ đông không kiểm soát
- Lợi thế thương mại từ hợp nhất
VAS và IFRS có sự khác biệt về quy định các chỉ tiêu như tài sản, công cụ tài chính và doanh thu
Ngoài ra VAS cũng chưa có quy định áp dụng cho các khía cạnh về:
- Trợ cấp của chính phủ (IAS 20)
- Nông nghiệp (IAS 41)
- Tài sản dài hạn nắm giữ chờ để bán và ngừng hoạt động(IFRS 5)
- Báo cáo tài chính trong nền kinh tế siêu lạm phát (IAS 29)
- Kế toán và Báo cáo lợi ích hưu trí (IAS 26)
- Thăm dò và đánh giá lại tài nguyên khoáng sản (IFRS 6)
- Thuyết minh lợi ích trong các đơn vị khác (IFRS 12); thỏa thuận chung (IFRS 11)
- Áp dụng IFRS cho năm đầu (IFRS 1)
Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) là nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp lập và trình bày báo cáo tài chính một cách chính xác và minh bạch. Việc nắm rõ chuẩn mực kế toán Việt Nam mới nhất sẽ giúp doanh nghiệp tuân thủ các quy định hiện hành, đảm bảo tính trung thực và hợp lý trong báo cáo tài chính. Đồng thời, việc so sánh giữa VAS và các chuẩn mực quốc tế giúp doanh nghiệp có cái nhìn toàn diện hơn về hệ thống kế toán toàn cầu. Liên hệ ngay với Crystalbooks để trải nghiệm phần mềm kế toán và kinh doanh nhé.
>>>Khám phá các bài viết liên quan:
- Phần hành kế toán là gì? Có mấy loại phần hành kế toán
- Khái Niệm Nguyên Lý Kế Toán và Ứng Dụng Thực Tiễn
- Lập bảng cân đối kế toán dễ hiểu cho người mới bắt đầu
- Tổng hợp danh sách chuẩn mực kế toán quốc tế IAS và IFRS 2024